Tác dụng của chùm ngây
Từ lá, thân, hạt, rễ của chùm ngây đều có tác dụng tốt. Ảnh: nongnghieppho.
Chùm ngây là loại cây có xuất xứ từ vùng Nam Á. Loại cây này trước đây mọc hoang rất nhiều ở Việt Nam nhưng không được nhiều người biết về giá trị dinh dưỡng cũng như dược tính của nó. Sau này, khi có nhiều thông tin hơn về chùm ngây, loại cây này bỗng trở thành "thần dược" được rất nhiều gia đình ưa chuộng như một giải pháp dinh dưỡng tối ưu.
Chùm ngây, còn được gọi tên là cây vạn năng, cây thần diệu. Tên gọi này có lẽ xuất phát từ những ưu thế về dưỡng chất mà dược tính mà nó mang lại. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh chùm ngây có giá trị dinh dưỡng rất cao với hơn 90 dưỡng chất.
Những dưỡng chất tổng hợp của chùm ngây bao gồm nhiều chất đạm và các vitamin thiết yếu, beta - carotene, 18 axit amin, hợp chất phenol, nhiều khoáng chất... Trong đó đặc biệt chùm ngây có chứa hàm lượng
canxi cao gấp 4 lần sữa, vitamin A cao hơn cà rốt 4 lần và vitamin C gấp 7 lần quả cam.
Ngoài ra chùm ngây còn có
nhiều chất chống oxy hóa và các chất kháng sinh, chất chống viêm nhiễm... Loại cây này có nhiều chất có khả năng ngăn ngừa khối u, u xơ tiền liệt tuyến, đào thải độc tố, giúp ổn định huyết áp, bảo vệ gan và chống lại căn bệnh tiểu đường.
Các bộ phận của chùm ngây có giá trị dinh dưỡng và dược tính bao gồm lá, thân, rễ và hạt. Đây là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng rất cao, có thể sử dụng để bổ sung dưỡng chất cho cơ thể, tăng sức đề kháng một cách tự nhiên nhất.
Rễ cây chùm ngây
- Chống co giật, chống sưng và giúp cho lợi tiểu.
- Ở một số nơi còn dùng nước uống của chùm ngây để ngăn ngừa việc có thai (rễ cây chùm ngây còn tươi rửa sạch băm nhỏ nấu với 2 lít nước, nấu còn nửa lít thuốc, chia uống 2 lần trong ngày).
- Giúp loại bỏ sạn thận loại Oxalate.
- Vỏ rễ dùng sắc lấy nước trị đau răng, đau tai…
- Rễ tươi của cây chùm ngây non dùng trị nóng sốt, phong thấp, sưng gan và lá lách…
Vỏ thân cây chùm ngây
- Trị nóng sốt, đau dạ dày, sâu răng…
- Nhiều trường hợp đưa vỏ thân cây chùm ngây vào tử cung để gây giãn nở, phá thai.
Lá cây chùm ngây
- Giã nát lá đắp lên vết thương giúp trị sưng và nhọt. Lá cũng có thể trộn với mật ong để đắp lên mắt trị sưng đỏ.
Hạt cây chùm ngây
- Dầu được chế từ hạt chùm ngây trị phong thấp
- Hạt chùm ngây giúp trị táo bón, mụn cóc và giun sán.
- Ngoài ra, hạt chùm ngây còn có tác dụng lọc nước. Hạt có chứa các hợp chất “đa điện giải” tự nhiên có thể dùng làm chất kết tủa để làm trong nước.
Canh chùm ngây ăn mát, có vị và cách nấu gần giống rau ngót.
Những lưu ý khi sử dụng
Cũng như các loại thực phẩm khác, dù tốt đến đâu chùm ngây cũng không thể là "thần dược" và không được sử dụng bừa bãi, nếu lạm dụng sẽ đem lại những hậu quả không tốt cho sức khỏe. Khi sử dụng chùm ngây làm thực phẩm cho gia đình, các bà nội trợ nên lưu ý những điều sau đây:
Phụ nữ mang thai không ăn chùm ngây
Khi có thai, hormon thai nghén là progesterone bài tiết làm mềm tử cung khiến cơ tử cung không co bóp. Còn alpha-sitosterol trong rau chùm ngây gây co cơ trơn tử cung và làm sẩy thai. Chính vì thế, phụ nữ có thai, nhất là người đang mang thai giai đoạn đầu không nên sử dụng chùm ngây để giữ an toàn cho thai nhi và bà mẹ.
Không nên ăn quá nhiều chùm ngây
Vì loại cây này rất nhiều dưỡng chất, hàm lượng vitamin C và canxi có trong lá dùng làm thực phẩm rất cao, nên nếu ăn quá nhiều rau chùm ngây có thể dẫn đến thừa vitamin C, thừa canxi, gây những hậu quả xấu cho sức khỏe.
Không nên ăn chùm ngây vào buổi tối
Vitamin C có trong chùm ngây có thể khiến thần kinh của bạn hưng phấn vào lúc bạn cần nghỉ ngơi, vì thế không nên ăn rau chùm ngây buổi tối để tránh bị mất ngủ.